Inox Có Hút Nam Châm Không?

Nhiều người thường sử dụng nam châm để phân biệt inox và sắt, thép hay các kim loại khác, bởi họ cho rằng “inox không hút nam châm”. Vậy liệu quan niệm này có đúng không? Inox có hút nam châm không? Bài viết chia sẻ kiến thức về từ tính của inox, giúp bạn giải mã toàn diện khả năng hút nam châm của inox.

Inox Có Hút Nam Châm Không?

Tổng quan về vật liệu inox:

Inox là gì?

Inox, hay thép không gỉ, là một hợp kim của sắt chứa tối thiểu 10,5% crom cùng nhiều kim loại khác (Niken, Mangan, Cacbon, Silic…).  Sự kết hợp của những kim loại này giúp inox chống gỉ sét và ăn mòn tốt hơn các loại thép khác.

Thành phần cấu tạo của inox:

Inox được tạo nên bằng cách kết hợp nhiều kim loại lại với nhau, nổi bật trong đó là:

  • Fe (Sắt): Là thành phần chính chiếm tỉ lệ lớn, là nguyên tố nền tảng tạo nên tính chất kim loại của inox.
  • Crom (Cr): Thành phần bắt buộc hàm lượng tối thiểu 10.5%. Lớp crom bề mặt tạo nên lớp oxit crom giúp inox chống gỉ sét, chống ăn mòn tốt hơn.
  • Niken (Ni): Bổ sung để tăng khả năng chống ăn mòn trong môi trường axit, kiềm.
  • Mangan (Mn): Ổn định cấu trúc Austenite, tăng độ bền và khả năng gia công cho inox.
  • Molypden (Mo): Chống rỗ bề mặt, tăng khả năng chống ăn mòn trong môi trường muối biển, axit.
  • Các nguyên tố khác: Carbon (C), Silic (Si), Đồng (Cu), Nitơ (N) tạo nên đặc tính riêng biệt của từng loại inox.

Các loại inox phổ biến

Sự thay đổi về hàm lượng kim loại tạo nên các loại inox khác nhau. Tại Việt Nam có 4 loại inox phổ biến sau:

  • Inox 304: Là loại inox với hàm lượng 18-20% crom, 8-10.5% niken. Khả năng chống ăn mòn tốt, độ bền cao, giá thành hợp lý nên được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.
  • Inox 316: Là loại inox được bổ sung molypden (2 – 3 %) giúp tăng khả năng chống ăn mòn trong môi trường muối biển, axit.
  • Inox 201: Là phiên bản giảm Niken và thay thế bằng Mangan, Nitơ của inox 304. Sự thay đổi này làm inox chống ăn mòn và độ bền thấp hơn.
  • Inox 430: Hàm lượng Niken rất thấp (hoặc không có), làm cho độ bền và khả năng chống gỉ sét chỉ tốt hơn sắt một chút. Tuy nhiên bù lại, giá bán inox 430 rất cạnh tranh.

Inox có hút nam châm không?

Tại sao vật liệu hút được nam châm?

Các vật liệu (sắt, niken, coban và hợp kim của chúng) được cấu tạo từ vô số miền từ tính nhỏ, sắp xếp hỗn loạn, triệt tiêu từ tính lẫn nhau làm cho vật liệu không có tính từ tổng thể.

Tuy nhiên, khi đưa nam châm đến gần, từ trường ngoài của nam châm tác dụng lên các miền từ tính của vật liệu. Miền từ tính sắp xếp lại theo hướng từ trường ngoài, mô men cộng hưởng tạo nên từ trường lớn, giúp vật liệu hút nam châm mạnh mẽ.

Hiện tượng trên được gọi là tính sắt từ, và Sắt (Fe) chính là nguyên tố điển hình của hiện tượng này. Do vậy, các vật liệu làm từ sắt thép thường có tính từ sắt mạnh và hút nam châm rất rõ rệt.

Inox có bị nam châm hút không?

Theo lý thuyết, inox là hợp kim của sắt, có hàm lượng sắt lớn nên có từ tính và sẽ hút nam châm. Tuy nhiên trên thực tế, có loại inox hút nam châm mạnh, có loại inox hút nam châm yếu, cũng có loại inox không hút ham châm.

Sở dĩ có sự khác biệt này là do mỗi loại inox có cấu tạo khác nhau (thành phần, hàm lượng), tạo nên các cấu trúc và tính sắt từ khác nhau.

  • Cấu trúc lập phương tâm diện: Cấu trúc hình thành khi inox chứa hàm lượng niken và mangan cao, phổ biến trên inox thuộc nhóm Austenitic (304, 316, 201). Cấu trúc này thường không có tính từ hoặc tính từ thấp, các loại inox có cấu trúc này không hút nam châm hoặc chỉ hút nam châm rất nhẹ, hầu như không đáng kể.
  • Cấu trúc lập phương tâm khối: Cấu trúc hình thành khi inox không chứa niken hoặc lượng niken cực thấp, phổ biến trên inox thuộc nhóm Ferritic (430, 410), Martensitic (430F). Cấu trúc này có tính từ cao, các loại inox thuộc nhóm này hút nam châm rất mạnh, gần bằng với sắt.
Cấu trúc tinh thể của inox
Cấu trúc tinh thể quyết định inox hút hoặc không hút nam châm

Giải đáp câu hỏi liên quan

Tại sao inox không bị nam châm hút

Các loại inox chứa nhiều Niken và Mangan (cấu trúc tâm diện) làm giảm khả năng tương tác từ tính của các nguyên tố Sắt, làm triệt tiêu từ tính của inox, dẫn đến inox không bị nam châm hút.

Inox 304 có hút nam châm không

Inox 304 có chứa 8-10.5% Ni, 2% Mn tạo nên cấu trúc tâm diện chắc chắc, triệt tiêu hoàn toàn từ tính nên inox 304 nguyên bản không hút nam châm. Tuy nhiên, nếu qua quá trình gia công (mài, cán, chặt, cắt, gia nhiệt) thì có thể thay đổi tính chất và hút nam châm.

Inox 201 có bị nam châm hút không

Inox 201 cũng giống như inox 304, tuy nhiên hàm lượng Niken bị giảm đi làm cho từ tính không bị triệt hoàn toàn, dẫn đến inox 201 bị nam châm hút với một lực rất nhẹ.

Kết luận

Bài viết có lẽ đã giải đáp toàn bộ thắc mắc “Inox có hút nam châm không?”. Câu trả lời là: “CÓ và KHÔNG”, tùy thuộc vào loại inox cụ thể. Đồng thời cũng giúp bạn hiểu rõ hơn tại sao có loại inox không bị nam châm hút, có loại hút yếu, có loại hút mạnh. Mong rằng thông tin sẽ hữu ích với bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *